Metoprolol được phát minh năm 1969 và nhanh chóng trở thành một trong những thuốc quan trọng có mặt trong danh sách thuốc thiết yếu của Tổ chức Y tế thế giới WHO. Vậy loại thuốc kê toa này có tác dụng như thế nào đối với người bệnh tim mạch và khi sử dụng cần lưu ý những gì để hạn chế tác dụng phụ? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết này.
Metoprolol là thuốc gì?
Metoprolol là thuốc dùng trong điều trị bệnh tim mạch thuộc nhóm chẹn beta giao cảm. Thuốc có khả năng làm giảm nhịp tim, giãn mạch, hạ huyết áp và giảm nhu cầu oxy của cơ tim nhờ tác dụng đối kháng chọn lọc trên thụ thể nằm ở tim (mức liều thấp) và mạch máu, cơ trơn phế quản (liều cao). Với những tác dụng trên, metoprolol được chỉ định dùng trong một số trường hợp sau:
– Đau thắt ngực
– Tăng huyết áp
– Suy tim
– Nhồi máu cơ tim
– Đau nửa đầu
– Rối loạn nhịp tim nhanh.
Thuốc metoprolol dùng trong điều trị bệnh tim mạch
Bạn muốn được tư vấn về bệnh tim mạch và cách sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả, vui lòng liên hệ tổng đài (hoặc zalo) 0962.546.541 để được hỗ trợ trong thời gian sớm nhất.
Đối tượng cần thận trọng khi dùng metoprolol
Bạn không nên sử dụng metoprolol nếu bị rối loạn nhịp tim chậm, block tim, suy nút xoang, suy tim nặng… và đặc biệt là khi bạn bị dị ứng với metoprolol hoặc các thuốc khác trong nhóm chẹn beta như atenolol, propranolol, nadolol…
Trước khi dùng metoprolol, hãy báo cho bác sỹ nếu bạn bị suy tim sung huyết, huyết áp thấp, hen suyễn, tiểu đường, trầm cảm, bệnh gan hoặc thận, rối loạn chức năng tuyến giáp, u tủy thượng thận…
Metoprolol có thể tiết qua sữa mẹ và gây hại cho trẻ đang bú, các ảnh hưởng trên thai nhi của metoprolol cũng chưa được xác định rõ ràng. Vì vậy nếu bạn là phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú, hãy thông báo với bác sỹ trước khi sử dụng thuốc này.
Một số tác dụng phụ đáng lưu ý của metoprolol
– Phản ứng dị thuốc nghiêm trọng: nổi mề đay; khó thở; sưng mặt, môi, lưỡi, cổ họng…
– Đau ngực, đánh trống ngực.
– Choáng váng, ngất xỉu.
– Khó thở ngay cả khi gắng sức nhẹ.
– Phù tay, chân.
– Buồn nôn, đau dạ dày, chán ăn, nước tiểu sẫm màu, phân màu đất sét.
– Vàng da, vàng mắt.
– Dễ bị bầm tím dưới da; chảy máu bất thường ở mũi, miệng, trực tràng…
– Khó thở, thở khò khè.
– Trầm cảm, giảm trí nhớ, ảo giác.
– Tay chân lạnh.
– Một số tác dụng phụ ít nghiêm trọng hơn: khô miệng, táo bón, ợ nóng, giảm ham muốn tình dục, lo lắng, hồi hộp, mất ngủ…
Hãy gọi cho bác sỹ nếu bạn gặp phải những biểu hiện bất thường kể trên. Nếu tác dụng phụ quá nghiêm trọng, bác sỹ có thể yêu cầu bạn ngừng sử dụng metoprolol và thay thế bằng một thuốc khác.
Lưu ý cần nắm vững trước khi sử dụng metoprolol
Để đảm bảo an toàn khi sử dụng metoprolol, bạn cần dùng thuốc đúng theo hướng dẫn của bác sỹ và hướng dẫn sử dụng in trên tờ toa đi kèm. Bên cạnh đó, bạn cần chú ý:
– Liều metoprolol đầu tiên có thể khiến bạn cảm thấy chóng mặt, vì vậy hãy dùng trước khi đi ngủ. Nếu bạn không bị chóng mặt, thì có thể dùng các liều tiếp theo vào buổi sáng.
– Nên dùng metoprolol trong bữa ăn hoặc ngay sau bữa ăn, uống thuốc vào cùng một thời điểm mỗi ngày để tránh quên liều.
– Uống nguyên viên metoprolol, không được bẻ, nghiền nát, nhai hay phá vỡ viên thuốc bởi một số dạng bào chế của metoprolol là dạng viên giải phóng kéo dài, có thể làm ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc. Trong trường hợp bạn được bác sỹ kê liều nửa viên, hãy nuốt nguyên nửa viên, không được nhai hoặc nghiền.
– Kiểm tra chỉ số huyết áp, nhịp tim hằng ngày khi đang sử dụng metoprolol.
– Nếu bạn có chỉ định phẫu thuật, hãy nói với bác sỹ về việc bạn đang sử dụng thuốc này.
– Không được tự ý ngừng metoprolol đột ngột vì điều này có thể khiến tình trạng bệnh tim của bạn trở nên tồi tệ hơn.
– Nếu lỡ quên 1 liều metoprolol, bạn hãy bỏ qua liều đã quên và tiếp tục uống thuốc theo lịch như bình thường, không sử dụng bù 2 liều 1 lúc vì có thể gây ngộ độc do quá liều.
– Hạn chế lái xe hay vận hành máy móc khi đang dùng thuốc.
– Không uống rượu bia khi đang sử dụng metoprolol vì có thể làm tăng nguy cơ gặp phải tác dụng phụ của thuốc.
– Bảo quản thuốc ở nhiệt độ phòng, tránh ẩm và ánh sáng trực tiếp.
Uống metoprolol đúng giờ
Tương tác của metoprolol với một số loại thuốc khác
Trước khi dùng metoprolol, hãy báo cho bác sỹ về tất cả những thuốc bạn đang dùng, đặc biệt là các thuốc có thể gây tương tác với metoprolol như:
– Các thuốc hạ áp và thuốc trị bệnh tim mạch khác như diltiazem, nifedipine, propafenone, quinidine, digoxin…
– Thuốc chống trầm cảm như bupropion, paroxetine, fluoxetine…
– Thuốc trị viêm loét dạ dày cimetidine.
– Thuốc kháng vi rút như ritonavir.
– Thuốc lợi tiểu
– Thuốc chống sốt rét như chloroquine, hydroxychloroquine…
– Thuốc trị tiểu đường như insulin, glyburide, glipizide, chlorpropamide, metformin…
– Thuốc trị hen suyễn như albuterol, bitolterol, terbutaline…
Sử dụng metoprolol chỉ là một phần trong chiến lược điều trị bệnh tim mạch của bạn. Để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất, bạn đừng bỏ qua chế độ ăn uống khoa học, luyện tập thể dục thường xuyên và sử dụng metoprolol kết hợp cùng những sản phẩm hỗ trợ tim mạch từ thảo dược phù hợp.
Xem thêm:
Tương tác thuốc trong điều trị bệnh tim mạch – Kiểm tra ngay!
Sản phẩm thảo dược phụ trợ cho người dùng metoprolol
Uống aspirin hàng ngày – Những lợi ích và rủi ro nên biết!
Ds. Lê Lương
Nguồn tham khảo:
https://www.cardiosmart.org/Healthwise/d001/34/d00134
https://www.drugs.com/metoprolol.html