Theo Tổ chức y tế thế giới WHO, tăng huyết áp là thủ phạm gây ra 7,5 triệu ca tử vong mỗi năm trên toàn cầu. Đây cũng chính là yếu tố nguy cơ chủ chốt gây ra đột quỵ não và bệnh mạch vành. Tuy nhiên, bệnh lại diễn biến âm thầm và chỉ được phát hiện khi đã gây biến chứng.
Để giúp người bệnh tìm hiểu thêm về tăng huyết áp và giải pháp để kiểm soát bệnh hiệu quả, GS.TS. Phạm Gia Khải – Nguyên Chủ tịch Hội tim mạch Việt Nam đã có buổi tham vấn về chủ đề này. Bạn đọc có thể theo dõi thông tin qua nội dung dưới đây!
Tăng huyết áp được chia thành mấy cấp độ? Huyết áp cao là bao nhiêu?
Thưa Giáo sư, theo đánh giá mới nhất hiện nay thì tăng huyết áp được chia thành mấy cấp độ và chỉ số huyết áp bao nhiêu thì được coi là huyết áp cao cần phải điều trị?
GS.TS Phạm Gia Khải:
Trước đây, huyết áp cao là khi huyết áp tâm thu và/hoặc huyết áp tâm trương lớn hơn hoặc bằng 140/90 mmHg. Gần đây năm 2017, Hội tim mạch Mỹ đã có sự điều chỉnh lại, trên 130/80 mmHg là tăng huyết áp độ 1 cần phải điều trị, do khi đó đã có nguy cơ tai biến mạch vành, tai biến trên thận… nhưng hiện nay ở Việt Nam vẫn dựa theo chẩn đoán dựa theo chỉ số cũ do ngân sách của chúng ta chưa có để kiểm soát huyết áp từ 130/80mmHg.
Tăng huyết áp được chia thành các cấp độ như sau:
– Tăng huyết áp độ 1 là khi HA tâm thu 140 – 159 mmHg và/hoặc HA tâm trương 90 – 99 mmHg
– Tăng huyết áp độ 2 là HA tâm thu 160 – 179 mmHg và/hoặc HA tâm trương 100 – 109 mmHg
– Tăng huyết áp độ 3 là HA tâm thu >180 mmHg và/hoặc HA tâm trương >110 mmHg
Biến chứng của tăng huyết áp là gì?
Vậy những hệ lụy mà người bệnh sẽ phải đối mặt khi bị huyết áp cao là gì? Quá trình tiến triển từ tăng huyết áp đến bệnh mạch vành, suy tim là như thế nào và thường diễn ra trong thời gian bao lâu?
GS.TS Phạm Gia Khải:
Huyết áp cao có thể dẫn đến các hệ lụy bao gồm: tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, tai biến các động mạch các chi dưới, các biến chứng ở thận… Tuy nhiên, khi điều trị tăng huyết áp cũng cần điều trị đồng thời cả các yếu tố nguy cơ như đái tháo đường, xơ vữa động mạch…
Không nhất thiết tăng huyết áp sẽ tiến triển thành bệnh mạch vành hay suy tim, nhưng nguy cơ sẽ cao hơn những người bình thường. Người ta thấy rằng tăng huyết áp chính là yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành, do đó cần có những biện pháp đề phòng, tốt nhất là giảm áp đến mức độ mình chịu đựng được.
Lời khuyên để phòng ngừa bệnh tim mạch do tăng huyết áp?
Có thể thấy rằng huyết áp cao ảnh hưởng không nhỏ đến hệ tim mạch của chúng ta. Vậy Giáo sư có thể cho quý khán giả một số lời khuyên giúp kiểm soát huyết áp để phòng ngừa bệnh tim mạch tốt hơn không?
GS.TS Phạm Gia Khải:
Tốt nhất là giảm áp đến mức độ bệnh nhân chịu được, có người 120/80mmHg là tốt rồi, nhưng có người xuống thấp quá thì không chịu nổi. Nhưng những người bị bệnh mạch vành, đái tháo đường, thận thì huyết áp cần xuống thấp hơn 130/80 mmHg để phòng tránh biến chứng trên mắt, thận.
Dưới đây là video tư vấn của GS.TS Phạm Gia Khải – Nguyên Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam về chủ đề tăng huyết áp. Bạn đọc có thể theo dõi trực tiếp tại đây:
Video tư vấn của GS.TS Phạm Gia Khải về chủ đề bệnh tăng huyết áp
Câu hỏi của khán giả gửi tới Giáo sư:
Cách xử trí khi cơn tăng huyết áp kịch phát xảy ra?
Thưa GS, bố cháu năm nay 62 tuổi, bị huyết áp cao đã nhiều năm nay. Đợt vừa rồi bố cháu có bị choáng váng, đau đầu, đi khám thì huyết áp đo được là 180/110 mmHg. Bác sỹ nói bố cháu bị tăng huyết áp kịch phát và được đưa vào cấp cứu. Xin GS cho cháu biết cách xử trí khi cơn tăng huyết áp kịch phát xảy ra. Về lâu dài người bệnh huyết áp cao nên làm gì để phòng tránh tình trạng này. Cảm ơn GS!
GS.TS Phạm Gia Khải:
Trong trường hợp này, người bệnh cần phải dùng ít nhất 2 lần thuốc, mỗi lần lại dùng một loại thuốc khác nhau để giữ cho huyết áp không bị lên lên xuống xuống. Huyết áp của chúng ta có thể lên xuống thất thường, có thể tăng vọt mà người bệnh không hề biết, nguy hiểm nhất là về đêm do đó phải dùng 2 lần thuốc để chặn trước nguy cơ này. Trong quá trình dùng thuốc bác sĩ và bệnh nhân cần phối hợp để theo dõi huyết áp và có những điều chỉnh liều cho phù hợp.
Cách điều trị bệnh tăng huyết áp, hở nhẹ van 2 lá?
Khoảng 2 tuần nay người cháu mệt mỏi, tức ngực, cảm giác lồng ngực nóng, khó thở, hụt hơi, khó ngủ, giật mình khi ngủ. Tâm trạng thì lo lắng, bứt rứt, nghĩ tiêu cực, lo nghĩ cái chết, 1 lúc nào đó cảm giác rất chán nản. Từ 2014 đến nay cháu bị tăng huyết áp 140/ 90. Khám tim thì thấy Sóng T dẹt ở một số đạo trình (tôi không nhớ rõ ở đạo trình nào) và hở nhẹ van 2 lá. Bác sĩ không giải thích kết quả này, và cũng không cho đơn thuốc. Xin bác sĩ chỉ bảo giúp cách điều trị bệnh. Cám ơn bác sĩ!
GS.TS Phạm Gia Khải:
Tất cả các dấu hiệu bất thường của bệnh nhân đều có lí do, nếu như bác sỹ chuyên khoa tim mạch không thể giải thích được kết quả thì cần xem xét kĩ hơn phối hợp với một số chuyên khoa khác để có nhận định chính xác. Với những người bình thường huyết áp 140/90 mmHg không phải cao lắm, nhưng bệnh nhân này ngoài tăng huyết áp còn kèm theo các dấu hiệu khác. Việc điều trị trước tiên cần điều trị tăng huyết áp kết hợp với điều trị các triệu chứng kèm theo như: hụt hơi, lo lắng, bứt rứt… Nếu như các triệu chứng này thuyên giảm thì rất tốt, nhưng nếu như không giảm được triệu chứng thì cần kiểm tra tổng thể.
Huyết áp kẹp là gì, có nguy hiểm không, có cần điều trị không?
Tôi có người nhà có chỉ số huyết áp khoảng 130/110 mmHg. Nhiều khi thay đổi thời tiết là người khó chịu, mệt mỏi, đau đầu. Không biết các triệu chứng này có nguy hiểm không và có cần phải điều trị không?
GS.TS Phạm Gia Khải:
Huyết áp 130/110 mmHg là hiện tượng huyết áp kẹp, nghĩa là chỉ số huyết áp tâm thu/tâm trương quá gần (dưới 25 mmHg), chứng tỏ sức cản ngoại vi rất cao, rất dễ gây vỡ mạch và nguy cơ suy tim cũng rất cao.
Để điều trị cần tùy thuộc nguyên nhân, nếu bệnh nhân chưa có suy tim cần được cho thuốc huyết áp thông thường và nên tăng cường lợi tiểu, kết hợp với chế độ tập luyện ăn uống sinh hoạt nghiêm ngặt.
Qua chương trình này, hy vọng rằng bạn đọc đã có thêm nhiều kiến thức hữu ích về các bệnh lý tim mạch cùng cách phòng ngừa hiệu quả. Nếu có bất kỳ thắc mắc cần được chuyên gia giải đáp thêm, bạn vui lòng liên hệ qau điện thoại hoặc zalo số 0962.546.541 để được tư vấn trực tiếp.