Có thể bạn chưa biết, chỉ một vài điều chỉnh nhỏ trong chế độ ăn cũng có thể tác động đáng kể làm giảm chỉ số mỡ máu của bạn. Nếu bạn đang còn băn khoăn không biết bị mỡ máu nên ăn gì, kiêng gì thì còn chần chờ gì nữa mà không tìm kiếm ngay đáp án trong bài viết này.
Người bị máu nhiễm mỡ nên ăn gì?
Ngũ cốc nguyên cám
Yến mạch, gạo lứt là nguồn cung cấp chất xơ hòa tan, giúp ngăn cản quá trình hấp thu chất béo tại ruột, giảm nồng độ triglycerid trong máu. Các nhà khoa học cũng cho biết, bổ sung chất xơ từ cám gạo có thể làm giảm triglyceride máu từ 7% – 8% ở những người mắc bệnh tiểu đường. Do đó, người bị máu nhiễm mỡ nên thay thế gạo trắng, bánh mỳ trắng bằng những loại ngũ cốc nguyên cám này trong bữa ăn chính hằng ngày.
Người bị mỡ máu cao nên ăn nhiều ngũ cốc nguyên cám
Các loại cá biển
Các loại cá biển như cá hồi, cá trích, cá bơn, cá ngừ, cá thu… rất giàu axit béo omega – 3. Loại chất béo này được chứng minh là có khả năng làm giảm nồng độ triglycerid trong máu, hạ huyết áp và giảm nguy cơ xơ vữa động mạch. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyên bạn nên ăn ít nhất 2 bữa cá mỗi tuần, tốt nhất nên nướng hoặc hấp để tránh dùng thêm chất béo khác vào món ăn.
Các loại hạt
Hãy dùng hạt hướng dương, hạt lanh, hạnh nhân, óc chó… để cung cấp chất xơ và bổ sung acid béo omega 3 giúp làm giảm triglyceride máu. Kết quả phân tích từ 61 nghiên cứu cho thấy, ăn thường xuyên các loại hạt có thể làm giảm triglyceride xuống 2,2 mg/ dL (0,02 mmol / L). Tuy nhiên hầu hết các loại hạt đều có chứa hàm lượng calo cao, vì vậy bạn chỉ nên dùng chúng vào bữa ăn nhẹ hoặc sử dụng làm hạt trang trí trong món salad.
Sữa ít béo
Các sản phẩm từ sữa ít béo như sữa chua, phô mai, bột sữa gầy… cung cấp sterol có khả năng ngăn chặn hấp thụ cholesterol tại ruột non. Ngoài ra trong sữa còn chứa whey protein – một loại protein có khả năng làm giảm cả chỉ số LDL – cholesterol và cholesterol toàn phần cho bạn.
Sữa ít béo còn là nguồn bổ sung canxi lý tưởng cho người bị máu nhiễm mỡ. Để hấp thu canxi tốt nhất, người bệnh cần kết hợp cùng thực phẩm giàu vitamin D như nấm, tôm, hàu, cá hồi…
Trái bơ
Bơ là nguồn bổ sung dồi dào các chất béo không bão hòa đơn. Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy, ăn một trái bơ mỗi ngày có thể làm giảm LDL – cholesterol ở những người thừa cân, béo phì. Bạn có thể xay bơ làm sinh tố, chế biến thành sốt ăn kèm với salad, bánh mỳ sandwich…
Các loại gia vị
Tỏi, nghệ, gừng, ớt, quế, tiêu… là những gia vị đã được nhiều nghiên cứu chứng minh tác dụng hạ mỡ máu hiệu quả. Nếu bạn ăn 1 tép tỏi mỗi ngày liên tục trong 3 tháng thì lượng cholesterol toàn phần có thể giảm đến 9%. Một nghiên cứu năm 2012 cũng cho thấy, bổ sung một lượng curcumin thấp (hoạt chất có trong củ nghệ) có thể làm giảm đáng kể nồng độ chất béo trung tính trong máu.
Ngoài tác dụng hạ mỡ máu, những gia vị này còn bổ sung chất chống oxy hóa để bảo vệ thành mạch, ngăn ngừa mảng xơ vữa hình thành và phát triển do quá trình oxy hóa LDL – cholesterol.
Rau quả tươi
Các loại rau quả tươi là nguồn bổ sung chất xơ và chất chống oxy hóa thiết yếu cho cơ thể, giúp ngăn ngừa quá trình oxy hóa LDL – cholesterol gây xơ vữa động mạch. Những loại trái cây tốt nhất mà người bệnh máu nhiễm mỡ nên ưu tiên là táo, dâu tây, nho, việt quất, mâm xôi, cà chua…
Trái cây tươi rất tốt cho người bị máu nhiễm mỡ
Đậu nành
Đậu nành rất giàu isoflavone giúp làm giảm mức chất béo trung tính trong máu. Một nghiên cứu thực hiện năm 2004 cho thấy, protein đậu nành có khả năng làm giảm nồng độ chất béo trung tính hơn 12,4% so với protein động vật. Bạn có thể sử dụng đậu nành trực tiếp hoặc chế biến thành sữa đậu nành, đậu phụ, tào phớ… cũng đều cho hiệu quả tương tự.
Dầu ô liu
Một nghiên cứu được thực hiện trên những người tình nguyện cao tuổi, khi họ sử dụng 4 muỗng dầu ô liu nguyên chất mỗi ngày liên tục trong sáu tuần; kết quả cho thấy sự sụt giảm đáng kể nồng độ triglyceride, cũng như cholesterol toàn phần và LDL – cholesterol so với nhóm đối chứng.
Để được tư vấn chi tiết về chế độ ăn uống khoa học cùng giải pháp hỗ trợ điều trị tối ưu nhất cho người bệnh máu nhiễm mỡ, vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại – zalo 0962.546.541.
Người bị máu nhiễm mỡ nên kiêng gì?
Bên cạnh những đồ ăn có lợi, người bệnh máu nhiễm mỡ cũng cần phải chú ý kiêng những loại thực phẩm sau:
Thực phẩm chứa chất béo bão hòa
Các thực phẩm chứa chất béo bão hòa mà người bị máu nhiễm mỡ cần hạn chế là mỡ động vật, nội tạng động vật, lòng đỏ trứng, các loại thịt đỏ… Đây cũng chính là nhóm thực phẩm được xếp hạng đầu bảng mà người bị máu nhiễm mỡ cần kiêng.
Thực phẩm chứa chất béo chuyển hóa trans
Chất béo chuyển hóa trans là một loại chất béo được thêm vào thực phẩm chế biến sẵn để tăng thời hạn sử dụng của chúng. Loại chất béo này cũng thường được tìm thấy trong thực phẩm chế biến bằng dầu hydro hóa một phần (dầu mỡ tái sử dụng nhiều lần) như xúc xích, lạp sườn, bánh quy, thịt gà rán, bánh rán… Chất béo chuyển hóa đã được xác định là làm tăng nồng độ cholesterol LDL “xấu”, chất béo trung tính trong máu của bạn.
Người bị máu nhiễm mỡ cần hạn chế ăn đồ chiên rán, chế biến sẵn
Nhóm thực phẩm giàu tinh bột, đường
Tinh bột hấp thu nhanh từ ngũ cốc tinh chế (đã loại bỏ lớp cám bên ngoài), khoai tây và bánh kẹo ngọt chứa hàm lượng calo rất cao, khi vào cơ thể mà không được sử dụng hết chúng sẽ được tích trữ dưới dạng mỡ. Do đó, người bị máu nhiễm mỡ cũng phải thận trọng với nhóm thực phẩm này.
Rượu bia
Một số nghiên cứu cho thấy, uống rượu bia có thể làm tăng triglyceride máu lên tới 53%, ngay cả khi mức triglyceride của bạn là bình thường; chưa kể đến nhiều yếu tố nguy cơ tim mạch như huyết áp cũng tăng lên khi bạn uống rượu. Chính vì vậy, người bị máu nhiễm mỡ cần hạn chế sử dụng rượu bia và các đồ uống có cồn, có thể chỉ dùng từ 1 – 2 ly rượu vang nhẹ/ngày.
Biết được người bị máu nhiễm mỡ nên ăn gì, kiêng gì, bạn sẽ không còn lúng túng mỗi khi lên thực đơn hay lo lắng chế độ ăn bất hợp lý sẽ làm bệnh nặng thêm. Chỉ cần kiên trì thực hiện chế độ ăn uống khoa học, bạn sẽ sớm đạt được chỉ số mỡ máu mong muốn và không còn lo lắng về những biến chứng của bệnh.
Xem thêm:
Máu nhiễm mỡ (mỡ máu cao): Bạn đã thực sự hiểu rõ?
Bật mí bài thuốc hay trị mỡ máu cao, hẹp mạch vành: Đơn giản, dễ áp dụng!
Ds. Lê Lương
Nguồn tham khảo:
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/high-blood-cholesterol/in-depth/cholesterol/art-20045192
https://www.webmd.com/cholesterol-management/heart-health-foods-to-buy-foods-to-avoid#1
https://www.healthline.com/nutrition/13-ways-to-lower-triglycerides#section12