Suy tim không có nghĩa là trái tim dừng hoạt động, nó chỉ làm cho hoạt động bơm máu của tim trở nên khó khăn hơn và bạn thường xuyên khó thở, mệt mỏi vì điều đó. Nhưng bạn vẫn có thể cải thiện được tình trạng này để tận hưởng chất lượng sống tốt hơn, khi bạn hiểu về bệnh, biết cách chăm sóc bản thân và cân bằng trong cuộc sống.
Nhận biết triệu chứng suy tim sớm
Trong suy tim cấp, các triệu chứng xảy ra đột ngột sau khi mắc bệnh cấp tính như: nhồi máu cơ tim, sốc nặng, mất nhiều máu do xuất huyết, vết thương ở tim, viêm trong tim. Ngược lại, suy tim mãn tính ở giai đoạn đầu các triệu chứng chỉ có thể thấy khi hoạt động gắng sức như chạy bộ, làm việc nặng, lên cầu thang. Theo thời gian, các vấn đề về hô hấp như khó thở, ho khan dai dẳng ở tư thế đầu thấp bắt đầu xuất hiện. Nhiều người bệnh ở giai đoạn này mất đi cơ hội điều trị sớm để phục hồi chức năng tim, chỉ vì bị chẩn đoán nhầm với viêm họng, viêm phế quãn mãn tính.

Đau thắt ngực – một trong những triệu chứng của suy tim
Giai đoạn suy tim tiến triển, bạn có thể gặp một hay nhiều các triệu chứng sau:
– Khó thở: Có thể xuất hiện khi tập thể dục, nghỉ ngơi, hoặc khi nằm. Trong một số trường hợp, khó thở làm người bệnh thức dậy đột ngột vào ban đêm, gây gián đoạn giấc ngủ. Kê cao gối khi ngủ để khắc phục tình trạng này.
– Ho khan hoặc thở khò khè: Đôi khi người bệnh khạc ra chất nhầy máu có màu trắng hoặc hồng.
– Phù: Phù có thể xảy ra ở mắt cá chân, tay, bụng và một số cơ quan khác. Tiểu đêm thường xuyên, do khi nằm lượng máu tới thận được nhiều hơn.
– Mệt mỏi: Cảm giác yếu toàn thân khi hoạt động bình thường hoặc khi tập thể dục do tim không bơm đủ máu giàu oxy đến các cơ quan quan trọng như não và cơ bắp.
– Chóng mặt, lú lẫn: Khó tập trung, có thể ngất xỉu đột ngột do tim không bơm đủ máu giàu oxy lên não.
– Tim đập nhanh hoặc không đều (đánh trống ngực): Khi cơ tim giảm khả năng bơm máu, nhịp tim sẽ tăng lên để giúp tim cung cấp đủ máu giàu oxy đến các cơ quan, đôi khi nhịp tim có thể trở nên bất thường.
– Tăng cân: Do dịch bị tích tụ trong cơ th.
– Triệu chứng khác: Cảm giác đầy hơi, chán ăn hoặc buồn nôn.
Nhưng đôi khi, có một số người bệnh không có bất kỳ triệu chứng nào kể trên.

Nguyên nhân gây suy tim
Suy tim là kết quả cuối cùng của hầu hết các bệnh của tim và mạch máu. Nó làm cho cơ tim, van tim yếu đi và giảm khả năng bơm máu theo nhiều cách khác nhau.
Nguyên nhân phổ biến:
– Bệnh động mạch vành: Khi động mạch vành bị thu hẹp bởi các mảng xơ vữa, lưu lượng máu cung cấp cho tim bị giảm và làm tim suy yếu

– Bệnh tăng huyết áp (cao huyết áp) không được kiểm soát tốt, gây dày thất trái, làm giảm sức co bóp và giãn nở của buồng tim.
– Bệnh tiểu đường: Lượng đường trong máu cao gây tổn thương cơ tim và các mạch máu quanh tim, gây suy tim.
Các nguyên nhân khác:
– Bệnh tim bẩm sinh.
– Đau tim, nhồi máu cơ tim.
– Bệnh van tim: Hẹp hở van 2 lá, van 3 lá, van động mạch chủ, van động mạch phổi.
– Viêm cơ tim, màng tim do vi rút, vi khuẩn.
– Một số loại nhịp tim bất thường (loạn nhịp tim)
Một số yếu tố nguy cơ gây suy tim:
– Bệnh viêm tắc phế quản phổi mãn tính.
– Bệnh tuyến giáp (bướu cổ): Suy giáp hoặc cường giáp.
– Thiếu máu nặng hoặc dư thừa sắt trong máu.
– Một số bệnh tự miễn.
Các yếu tố nguy cơ này luôn tiềm ẩn mối đe dọa cho tim khi gặp điều kiện thuận lợi.
Phân loại suy tim
Phân loại suy tim theo chức năng tim
– Suy tim tâm thu: Là khi cơ tim yếu đi do bị giãn rộng, không thể bơm máu ra khỏi tim.
– Suy tim tâm trương: Là khi cơ tim trở nên dày và cứng, khó giãn rộng ở thời điểm máu đổ đầy tim.
Phân loại suy tim theo vị trí
– Suy tim trái: Nếu phía bên trái của tim, bao gồm nhĩ trái và thất trái, bơm và trữ máu không hiệu quả hoặc co bóp không đồng bộ, máu sẽ ứ tại phổi. Bạn sẽ cảm thấy khó thở, mệt mỏi, và bị ho khan kéo dài (đặc biệt là vào ban đêm), đôi khi ho có đờm lẫn máu.
– Suy tim phải: Nếu phía bên phải của tim, bao gồm tâm nhĩ phải và tâm thất phải, bị suy yếu, máu từ tĩnh mạch trở về tim khó khăn. Nó tích tụ trong các tĩnh mạch và thoát dịch ra ngoài, gây phù bàn chân, cẳng chân, mắt cá chân.
– Suy tim toàn bộ (suy tim sung huyết): Suy tim sung huyết xảy ra khi nó tiến triển nặng hơn. Máu lưu thông với tốc độ chậm làm thoát dịch ra ngoài mạch máu và ứ lại ở tất cả các cơ quan, gây phù phổi, phù gan, thận. Sự tích tụ chất lỏng ở thận làm ảnh hưởng đến khả năng đào thải muối (natri) và nước, có thể dẫn đến suy thận. Sau khi suy tim được điều trị, chức năng của thận thường được cải thiện.
Phân loại theo Hiệp Hội Tim Mạch Hoa Kỳ (NYHA)
– Suy tim độ 1 (suy tim tiềm tàng): Bệnh nhân không có triệu chứng, hoạt động thể lực vẫn bình thường.
– Suy tim độ 2 (suy tim nhẹ): Bệnh nhân bị hạn chế khi hoạt động thể chất, với các biểu hiện như mệt mỏi, đánh trống ngực, khó thở, hoặc đau thắt ngực khi gắng sức; họ cảm thấy thoải mái khi nghỉ ngơi.
– Suy tim độ 3 (suy tim trung bình): Bệnh nhân bị hạn chế đáng kể khi hoạt động thể chất, khi hoạt động bình thường hoặc gắng sức nhẹ đã cảm thấy mệt mỏi, đánh trống ngực, khó thở, hoặc đau đau thắt ngực; họ cảm thấy thoải mái khi nghỉ ngơi.
– Suy tim độ 4 (suy tim nặng): Bệnh nhân không thể thực hiện được các hoạt động thể chất, triệu chứng mệt mỏi, khó thở, đánh trống ngực, đau thắt ngực xuất hiện ngay cả khi nghỉ ngơi. Các triệu chứng tăng nặng lên khi hoạt động.
Phân loại dựa vào phân suất tống máu của tim (EF)
Phân suất tống máu là chỉ số đo lượng máu bơm ra khỏi tâm thất trái trong mỗi nhịp đập của tim. Ở một người bình thường, phân suất tống máu ≥55%. Ở người bệnh suy tim, phân suất tống máu sẽ giảm. Phân suất tống máu còn là chỉ số đánh giá việc điều trị suy tim có hiệu quả hay không?
Thu Phượng
Chia sẻ người bệnh: Hạnh phúc giản dị khi có một trái tim khỏe

Tôi bị u tuyến giáp khá to, hay phải cố hít thở, rất khó chịu. Khám tim nhiều lần đều cho kết quả bình thường. ko bác sĩ nào nói về ảnh hưởng của tuyến giáp đến tim và chỉ quan tâm đến kết quả điện tim mà chả quan tâm đến biểu hiện của tôi. Xin bác sĩ tư vấn.
Chào bạn Mai Chi,
Đúng là bệnh lý tuyến giáp có thể ảnh hưởng đến bệnh lý tim mạch dẫn đến cơn đau tức ngực, khó thở. Tuy nhiên, việc dựa vào kết quả xét nghiệm, điện tim là điều cần thiết để chẩn đoán chính xác mức độ bệnh. Chính vì vậy, các bác sĩ sẽ chú ý nhiều hơn đến kết quả điện tim của bạn. Không biết rằng bạn đã thăm khám ở viện nào và khi đi thăm khám, bạn có trao đổi với bác sĩ về bệnh u giáp bạn gặp phải hay không? Theo chúng tôi, nếu thấy khó thở kéo dài, bạn nên thăm khám ở các bệnh viện Tim mạch lớn để được chẩn đoán và có hướng điều trị hiệu quả.
Chúc bạn sức khỏe!