Bệnh mạch vành là căn bệnh mạn tính nguy hiểm. Nó là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở hầu hết các quốc gia phát triển trên thế giới. Vì tiến triển chậm và không gây triệu chứng trong giai đoạn đầu nên bệnh mạch vành ít khi được chẩn đoán sớm. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp những thông tin hữu ích nhất liên quan đến dấu hiệu, triệu chứng của bệnh mạch vành, nhờ đó sẽ giúp mọi người có thể phát hiện và điều trị bệnh kịp thời, tránh những biến chứng xấu có thể xảy ra trong tương lai.
Đau thắt ngực: Triệu chứng phổ biến nhất của bệnh mạch vành
Triệu chứng thường gặp nhất của bệnh mạch vành là đau thắt ngực. Cơn đau thắt ngực được mô tả như cảm giác giống như trái tim bị đè nén, bóp chặt hoặc nóng bỏng ở vùng ngực. Người bệnh thường cảm nhận được cơn đau ở giữa ngực hoặc ngay dưới xương ức. Đôi khi, cơn đau lan sang cánh tay (đặc biệt là cánh tay trái), bụng, cổ, hàm dưới hoặc lan ra sau lưng.
Các triệu chứng khác của bệnh mạch vành bao gồm:
– Đổ mồ hôi lạnh
– Buồn nôn, nôn mửa
– Chóng mặt hoặc cảm giác đầu lâng lâng
– Khó thở
– Đánh trống ngực
Đau thắt ngực, khó thở, đánh trống ngực là triệu chứng của bệnh mạch vành
Một vài triệu chứng của bệnh mạch vành, chẳng hạn như buồn nôn hay cảm giác bỏng rát trong lồng ngực, rất dễ bị nhầm lẫn với chứng ợ nóng.
Có hai loại đau thắt ngực liên quan đến bệnh mạch vành, đó là đau thắt ngực ổn định và đau thắt ngực không ổn định (hội chứng mạch vành cấp).
Đau thắt ngực ổn định
Đau thắt ngực ổn định là các cơn đau ngực có thể dự đoán được và nó có tính chất tương tự nhau trong mỗi lần xuất hiện. Cụ thể, đau thắt ngực ổn định thường xảy ra trong các tình huống như:
– Cảm xúc tiêu cực
– Gắng sức
– Sau khi ăn quá no
– Hút thuốc lá
– Tiếp xúc với nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh
Một cơn đau thắt ngực ổn định thường kéo dài 1 đến 5 phút và tự mất đi sau vài phút nghỉ ngơi. Đau thắt ngực ổn định xảy ra là do các mảng xơ vữa trong động mạch vành gây cản trở dòng máu tới nuôi tim, đặc biệt là khi trái tim cần nhiều oxy hơn (khi hoạt động gắng sức) hay mạch vành bị co lại (do căng thẳng tâm lý, thời tiết).
Bạn đang tìm kiếm giải pháp đẩy lùi các cơn đau thắt ngực và ngăn chặn nguy cơ nhồi máu cơ tim trong bệnh mạch vành? Hãy liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại 0962.546.541 (hoặc zalo) để được tư vấn tốt nhất.
Hội chứng mạch vành cấp (acute coronary syndrome)
So với đau thắt ngực ổn định thì hội chứng mạch vành cấp nguy hiểm hơn rất nhiều. Trong hầu hết các trường hợp hội chứng mạch vành cấp, các mảng bám trong thành mạch đã bị vỡ ra do các phản ứng viêm ở bên trong. Các mảng bám với bề mặt gồ ghề là tiền đề cho sự phát triển của cục máu đông (huyết khối). Cục máu đông có thể gây tắc nghẽn đột ngột và hoàn toàn mạch vành, kết quả là cơn đau thắt ngực không ổn định (nếu cục máu đông hình thành sau đó tan ra), nguy hiểm hơn nữa là nhồi máu cơ tim (nếu cục máu đông hình thành mà không tan ra). Ở nhiều người, triệu chứng đầu tiên của tình trạng hẹp động mạch vành lại là một cơn nhồi máu cơ tim.
Trong hội chứng mạch vành cấp, các cơn đau ngực thường nghiêm trọng hơn và khó dự đoán hơn so với đau thắt ngực ổn định. Không chỉ vậy, đau thắt ngực trong hội chứng mạch vành cấp xuất hiện thường xuyên hơn, ngay cả khi nghỉ ngơi hoặc khi đang ngủ. Mỗi cơn đau ngực do hội chứng mạch vành cấp thường kéo dài vài phút đến vài giờ, người bệnh thường bị đổ mồ hôi đầm đìa và đau ở xương hàm, vai cũng như cánh tay. Hội chứng mạch vành cấp là một tình trạng nguy hiểm cần được cấp cứu khẩn cấp.
Bệnh mạch vành không triệu chứng
Nhiều người mắc bệnh mạch vành, đặc biệt là phụ nữ, người tuổi cao, người mắc bệnh tiểu đường… nhưng không có bất kỳ triệu chứng nào hoặc có những triệu chứng không điển hình. Bệnh mạch vành không có triệu chứng nguy hiểm hơn bệnh mạch vành có triệu chứng rất nhiều bởi vì người bệnh sẽ không thể nhận biết được các dấu hiệu nguy hiểm của bệnh để điều trị kịp thời.
Bệnh mạch vành không triệu chứng chỉ được phát hiện thông qua điện tâm đồ – một thử nghiệm ghi lại hoạt động điện của tim.
Điện tâm đồ gắng sức phát hiện bệnh mạch vành không triệu chứng
Người bệnh có thể được đo điện tâm đồ khi nghỉ ngơi hoặc khi tập thể dục với máy chạy bộ (điện tâm đồ gắng sức). Tập thể dục làm tăng nhu cầu về máu của trái tim, nếu cơ thể không đáp ứng được nhu cầu này thì có nghĩa là động mạch vành đang bị thu hẹp đáng kể. Khi cơ tim bị thiếu máu và oxy, hoạt động điện của nó sẽ thay đổi và được hiển thị rất rõ ràng trên kết quả điện tâm đồ.
Bạn có thể ngăn ngừa bệnh mạch vành bằng cách kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây xơ vữa động mạch. Hãy bắt đầu bảo vệ mạch vành và trái tim ngay hôm nay bằng cách bỏ thuốc lá, áp dụng một chế độ ăn uống lành mạnh, giảm lượng LDL cholesterol (cholesterol “xấu”) trong máu, kiểm soát huyết áp, giảm cân và tăng cường hoạt động thể chất.
Trần Phương
Tham khảo: https://www.drugs.com/health-guide/coronary-artery-disease.html