Bệnh tăng huyết áp hay còn gọi là huyết áp cao hoặc lên tăng xông. Đây là căn bệnh thường gặp trong cuộc sống và gia tăng dần theo độ tuổi, chiếm từ 8 đến 12% dân số. Tăng huyết áp được ví như một “sát thủ thầm lặng” bởi nó là nguyên nhân gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: suy thận, mỡ máu, tiểu đường và đặc biệt là ảnh hưởng đến tim mạch. Hiện nay nguyên nhân chính gây ra bệnh tăng huyết áp chưa được xác định rõ ràng và việc phát hiện bệnh cũng còn gặp rất nhiều khó khăn.
Tăng huyết áp rất khó phát hiện
Tăng huyết áp giống như một “sát thủ” âm thầm và lặng lẽ làm giảm tuổi thọ con người từ 10 – 20 năm tuổi. Bệnh tăng huyết áp thường không có biểu hiện rõ ràng, thông người bị bệnh vẫn có thể sinh hoạt, làm việc một cách bình thường trong khoảng thời gian từ 15 – 20 năm trước khi bệnh trở nên trầm trọng. Người bệnh chỉ phát hiện mình bị tăng huyết áp khi được đưa vào nhập viện.
Tăng huyết áp rất khó phát hiện
Có khoảng 95% người bệnh tăng huyết áp không rõ nguyên do (tăng huyết áp tiên phát). Bên cạnh đó, một số yếu tố nguy cơ dẫn đến tăng huyết áp như: độ tuổi, di truyền, giới tính (nam giới thường có tủy lệ mắc bệnh cao hơn so với nữ giới); môi trường sống: điều kiện làm việc, căng thẳng, ít vận động, ăn mặn, béo phì, hút thuốc lá ….là những nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng tỷ lệ mắc bệnh tăng huyết áp.
Tăng huyết áp đã và đang trở thành nguy cơ hàng đầu của các biến chứng về tim mạch. WHO ghi nhận vào năm 2002, đã liệt kê tăng huyết áp được xếp vào “kẻ giết người số 1” trên thế giới. Nói cách khác, người bị tăng huyết áp có nguy cơ bị đột quỵ (tai biến mạch máu não) tăng gấp 4 lần và có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim gấp 2 lần so với người bình thường. Nguy cơ tử vong sẽ tăng gấp đôi nếu chỉ số huyết áp tăng thêm 20mmHg trên tâm thu và 10mmHg trên tâm trương. Trong năm 2008, có khoảng 16,5 triệu người chết vì bệnh tăng huyết áp trên toàn thế giới.
Các biến chứng thường gặp của bệnh tăng huyết áp
Các biến chứng lên tim mạch: nhồi máu cơ tim, bệnh động mạch vành, suy tim…
Huyết áp tăng lâu ngày sẽ dễ hình thành các mảng xơ vữa trong lòng động mạch và làm hẹp mạch vành. Khi động mạch vành bị hẹp, bệnh nhân sẽ cảm thấy đau tức ngực khi gắng sức, leo cầu thang hay vận động quá sức, cơn đau sẽ giảm khi bệnh nhân ngưng hoạt động gắng sức (triệu chứng của bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ). Cơn đau tức ngực có thể lan dần lên bả vai trái và lan rộng ra cả cánh tay trái. Nếu mảng xơ vữa động mạch vị vỡ, nứt thì trong lòng động mạch vành hình thành huyết khối làm tắc động mạch gây ra nhồi máu cơ tim ở bệnh nhân. Bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim sẽ cảm thấy đau dữ dội trước ngực, cơn đau lan ra tay trái, lên cổ, sau lưng, cảm thấy khó thở và toát mồ hôi. Người bị nhồi máu cơ tim do tăng huyết áp sẽ có một vùng cơ tim bị tê liệt, không thể co bóp dẫn đến bệnh suy tim.
Các biến chứng về não: tai biến mạch máu não bao gồm cả xuất huyết não, nhũn não, thiếu máu não.
Xuất huyết não: Khi huyết áp tăng lên quá cao làm cho mạch máu não không thể chịu được áp lực có thể dẫn đến vỡ mạch máu não làm cho bệnh nhân bị xuất huyết não, gây liệt nửa người hay liệt toàn thân thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
Nhũn não: Tăng huyết áp làm hẹp mạch máu não (tương tự hẹp mạch vành), nếu các mảng xơ vữa bị nứt, vỡ làm hình thành cục máu đông, gây tắc mạch máu não làm chết một vùng của não (còn gọi là nhũn não).
Thiếu máu não: Tăng huyết áp làm hẹp động mạch cảnh, động mạch não hạn chế lượng máu bơm lên não không khiến cho người bệnh cảm thấy chóng mặt, hoa mắt, có khi dẫn đến bất tỉnh.
Thiếu máu não là một trong những biến chứng mà tăng huyết áp gây ra
Các biến chứng về thận:
Tăng huyết áp làm hẹp động mạch thận, hỏng màng lọc của tế bào thận. Hẹp động mạch thận lâu ngày sẽ làm cho bệnh nhân tiểu ra protein và gây ra suy thận.
Các biến chứng về mắt:
Tăng huyết áp sẽ làm hỏng mạch máu võng mạc gây xuất huyết võng mạc, phù đĩa thị giác làm giảm thị lực, thậm chí có thể dẫn đến mù lòa.
Các biến chứng tai biến mạch máu:
Tăng huyết áp làm động mạch chủ phình to có thể bóc tách hoặc vỡ thành mạch dẫn đến chết người.Ngoài ra, tăng huyết áp còn làm hẹp động mạch chậu, động mạch đùi và cả động mạch chân. Khi động mạch ở các chi bị hẹp, người bệnh cảm thấy đau chân khi đi được đoạn đường phải dừng lại nghỉ ngơi (cơn đau cách hồi).
Do vậy, việc kiểm tra huyết áp thường xuyên, nhất là những người có nguy cơ mắc bệnh là hết sức cần thiết và quan trọng. Tăng huyết áp nếu không được điều trị đúng và kịp thời sẽ rất dễ dẫn đến nhiều biến chứng nặng nề không mong muốn, thậm chí có thể gây ra tử vong hoặc trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Ngọc Bích
Chia sẻ người bệnh: Hạnh phúc giản dị khi có một trái tim khỏe