Tỷ lệ người mắc bệnh tăng huyết áp (THA) ngày càng tăng và tuổi bị mắc mới cũng ngày càng trẻ. Lối sống như lười vận động, chế độ ăn quá nhiều chất béo, ăn mặn, hút thuốc lá…là những nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng bệnh THA và đang là nguy cơ hàng đầu của các biến chứng tim mạch.
Tăng huyết áp và suy thận tác động lẫn nhau
Tại bệnh viện Nguyễn Trãi TPHCM mỗi tháng có hơn 500 lượt bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối đến lọc máu định kỳ. Số lượng bệnh nhân THA có biến chứng thận cũng chiếm tỷ lệ cao so với các biến chứng khác, tổn thương thận khó hồi phục, kiểm soát huyết áp cũng khó khăn hơn, một số bệnh lý tim mạch kèm theo cũng tăng sơ với nhóm bệnh nhân THA chưa có tổn thương thận. THA là yếu tố nguy cơ gây tổn thương thận và suy thận giai đoạn cuối.
Tình trạng tăng huyết áp cao và kéo dài sẽ làm tổn thương và phá hủy các mạch máu trong cơ thể, làm giảm lượng máu cung cấp đến thận và các cơ quan khác. Huyết áp tăng cao còn phá hủy bộ lọc ở thận, dẫn đến hậu quả là thận không thể loại bỏ những chất cặn bã độc hại cũng như nước dư thừa ra ngoài. Nước ứ thừa trong hệ mạch máu ngày một nhiều làm huyết áp tăng cao hơn. Trong cơ thể, thận có chức năng giữ cho huyết áp ổn định. Khi thận bị tổn thương, khả năng điều hòa huyết áp suy giảm làm cho huyết áp tăng cao.
Biến chứng thận ở bệnh nhân tăng huyết áp
Bị THA thì nguy cơ bị thận là khá cao. Bệnh nhân cần xét nghiệm creatinine máu, nước tiểu, tổng phân tích nước tiểu. Nếu đã bị suy thận thì bên cạnh xét nghiệm kiểm tra GFR và protein nước tiểu, cần phải siêu âm kiểm tra thận xem có vấn đề gì bất thường về kích cỡ, cấu trúc hoặc có tắc nghẽn, điện tâm đồ kiểm tra chức năng tim, xét nghiệm glucose, lipid trong máu, kiểm tra cân nặng…
Tăng huyết áp gây biến chứng lên thận
Khi bị THA, bệnh nhân sẽ được điều trị theo phác đồ. Người bệnh ngoài tự theo dõi bằng cách đo huyết áp tại nhà, cần phải nghiêm túc tuân thủ khám định kỳ để đánh giá chức năng thận và các cơ quan khác. Ngoài các xét nghiệm đánh giá mức độ suy thận, bệnh nhân được đo lượng kali trong máu, vì khi thận bị suy, lượng kali có thể tăng cao, nguy hiểm cho tim.
Chế độ dinh dưỡng khi bị cả THA và suy thận
Bệnh nhân phải kiểm soát huyết áp dưới 130/80 mmHg, ngăn chặn thận không bị tổn thương nặng thêm, giảm nguy cơ bệnh tim, kết hợp ăn kiêng và lối sống phù hợp với giai đoạn suy thận. nếu ở giai đoạn 1-2, ăn chế độ nhiều trái cây, rau, bơ, sữa, ở giai đoạn 2-3, cần phải ăn nhạt dưới 2400mg mỗi ngày, giảm chất béo và cholesterol vì chúng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Giai đoạn 3-4 để hạn chế những bệnh về xương, kiểm soát lượng protein, ăn rất ít thức ăn chứa nhiều phốt pho như sữa, pho mát, sữa chua…Ngoài ra, bạn cần kiểm soát trọng lượng, tập thể dục nhẹ nhàng 30 phút mỗi ngày, không uống rượu bia, hút thuốc lá. Dùng điều trị THA phối hợp từ hai loại trở lên và kèm theo thuốc lợi tiểu.
Để phòng tránh các biến chứng tim mạch cần kiểm soát tốt tăng huyết áp, điều trị toàn diện tăng huyết áp và các bệnh đi kèm như đái tháo đường, rối loạn mỡ máu…Không được tự ý bỏ thuốc vì THA là “ kẻ giết người thầm lặng”.
ThS.BS Nguyễn thị thanh nga
Bệnh viện Nguyễn Trãi TPHCM
Chia sẻ người bệnh: Hạnh phúc giản dị khi có một trái tim khỏe