Bệnh rò mạch vành (dò động mạch vành) là bệnh tim bẩm sinh hiếm gặp (tỷ lệ 0,5%) được biết đến lần đầu tiên năm 1865. Nhiều người tình cờ đi khám được phát hiện có lỗ rò động mạch vành và hoang mang không biết bệnh lý này là gì, có nguy hiểm không? Nếu bạn cũng là một trong số đó thì hãy dành ngay 5 phút để tìm hiểu về bệnh rò động mạch vành ngay sau đây.
Bệnh rò mạch vành là bệnh gì?
Mạch vành là động mạch chính đảm nhiệm cấp máu đến nuôi tim có 2 nhánh lớn là động mạch vành phải và động mạch vành trái. Ở người bình thường, mạch vành chỉ chạy trên bề mặt quả tim và không nối thông vào buồng tim và mạch máu lớn.
bệnh rò mạch vành là sự xuất hiện của một hoặc nhiều nhánh mạch vành rò vào buồng tim và các mạch máu lớn gần tim như động mạch phổi, tĩnh mạch phổi, tĩnh mạch chủ… Đa số các trường hợp rò mạch vành xuất phát từ động mạch vành phải và rò vào buồng tim phải (50 – 80%).
Hình ảnh bệnh rò mạch vành tim
Triệu chứng của bệnh rò mạch vành
Có khoảng 40% – 55% trường hợp bị bệnh rò mạch vành không có triệu chứng lâm sàng nên không thể phát hiện bệnh trong nhiều năm. Người bệnh thường khởi phát triệu chứng bệnh từ sau tuổi 20 trở đi, khi máu từ động mạch vành rò rỉ vào buồng tim khiến cho lưu lượng máu đến nuôi tim bị giảm, buồng tim nhận bị quá tải thể tích; dẫn đến các triệu chứng tương tự như thiếu máu cơ tim, cụ thể là:
– Khó thở khi gắng sức.
– Đau tức ngực.
– Tim đập nhanh bất thường hoặc không đều.
– Người dễ mệt mỏi.
– Chóng mặt, hồi hộp.
– Nghe tim sẽ thấy tiếng thổi tại bờ trái xương ức.
Nếu bạn hoặc người thân đang gặp phải vấn đề tim mạch cần được hỗ trợ giải đáp, vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại (zalo) 0962.546.541 để được tư vấn chi tiết.
Chẩn đoán bệnh rò mạch vành
Với sự phát triển của y học hiên đại thì rò động mạch có thể được phát hiện ngay cả khi người bệnh không có triệu chứng. Các phương pháp chẩn đoán thường được tiến hành là:
– Siêu âm tim: là phương pháp chẩn đoán đáng tin cậy với độ chính xác tới hơn 90%. Ưu điểm của phương pháp này là có thể tiến hành nhiều lần để cung cấp nhiều thông tin hữu ích, từ đó giúp bác sĩ đưa ra theo dõi tình trạng bệnh và đưa ra chỉ định can thiệp phù hợp.
– Chụp mạch vành: nhằm đánh giá kích thước, nguồn gốc của lỗ rò.
– Chụp cộng hưởng từ: để đánh giá toàn bộ đường đi của mạch vành đến lỗ rò.
Nguyên nhân gây bệnh rò mạch vành
Nguyên nhân gây rò mạch vành tim chủ yếu là do bất thường bẩm sinh. Trong quá trình phôi thai, các động mạch vành có thể phát triển bất thường, nối thông với các buồng tim và động mạch lớn. Trẻ bị rò động mạch đôi khi có thể kèm theo bệnh tim bẩm sinh khác như tứ chứng Fallot, còn ống thông động mạch…
Bên cạnh đó, rò mạch vành cũng có thể phát triển sau khi đứa trẻ được sinh ra do một số nguyên nhân như nhiễm trùng tim, chấn thương tim do tai nạn hoặc phẫu thuật…
Bệnh rò mạch vành có nguy hiểm không?
Mặc dù hiếm gặp nhưng rò động mạch vành cũng có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm, tỷ lệ mắc phải thường cao hơn ở người già. Các biến chứng đó là:
– Suy tim xung huyết
– Nhồi máu cơ tim
– Rối loạn nhịp tim
– Thuyên tắc động mạch vành
– Vỡ túi phình động mạch vành gây tràn máu màng tim
– Viêm nội tâm mạc nhiễm trùng hoặc tắc mạch ngoại biên
Mặc dù hiếm gặp nhưng người bị rò mạch vành có thể gặp phải biến chứng nhồi máu cơ tim
Điều trị rò động mạch vành
Nếu lỗ rò động mạch nhỏ và không gây ra triệu chứng thì không cần điều trị, đôi khi lỗ rò có thể tự đóng lại trong quá trình trưởng thành. Trường hợp lỗ rò có đường kính lớn gây quá tải ở buồng tim nhận làm xuất hiện các triệu chứng suy tim, nguy cơ biến chứng cao, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật để đóng lỗ rò. Các phương pháp phẫu thuật đang được áp dụng hiện nay là:
– Thông tim bít lỗ rò qua da: Bác sĩ sẽ dùng một cuộn dây luồn theo mạch máu vào tim theo đường ống thông để đóng lỗ rò. Tỷ lệ thành công của phương pháp này là 95% và chỉ có khoảng 10% bị tái phát trở lại.
– Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành: bằng động mạch vú trong hoặc tĩnh mạch hiển trong (ở chân). Phương pháp này được tiến hành nếu lỗ rò quá lớn, rò nhiều vị trí, đường đi của mạch vành bị vặn xoắn, gấp khúc hoặc chia nhánh nhiều… gây trở ngại nếu thực hiện thông tim hoặc khi người bệnh cần được thực hiện kết hợp với phẫu thuật tim khác.
– Phẫu thuật thắt lỗ rò: được tiến hành khi lỗ rò có liên quan đến phình động mạch lớn. Sau khi xác định được vị trí đoạn mạch rò vào buồng tim, bác sĩ sẽ tiến hành buộc thắt đoạn mạch này trong 15 phút. Nếu kiểm tra điện tâm đồ không có gì bất thường thì bác sĩ sẽ đóng lỗ rò bằng chỉ.
Hiệu quả điều trị giữa 2 phương pháp này thông tim và bắc cầu động mạch vành là tương đương nhau, nhưng thông tim thường được ưu tiên lựa chọn vì người bệnh có thể phục hồi sức khỏe nhanh và thời gian nằm viện ngắn hơn. Tiên lượng sau can thiệp khá khả quan, tuy nhiên vẫn có một tỷ lệ nhỏ người bệnh gặp phải các biến chứng sau phẫu thuật như chảy máu, tràn dịch màng tim, suy tim cấp, nhồi máu cơ tim, viêm xương ức, vỡ phình mạch vành…
Hầu hết những người mắc bệnh rò mạch vành được phát hiện và điều trị sớm đều có tiên lượng tốt và rất ít trường hợp cần tiến hành phẫu thuật lại. Hãy đi khám sức khỏe tim mạch tổng quát để phát hiện bệnh sớm bệnh và can thiệp khi cần thiết để phòng ngừa biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Xem thêm:
Thiếu máu cơ tim – bệnh lý tim mạch nguy hiểm
Tổng hợp các câu hỏi thường gặp về nhồi máu cơ tim
Dược sĩ Lê Lương
Nguồn tham khảo:
medlineplus.gov
http://timmachhoc.vn/chan-doan-va-dieu-tri-do-dong-mach-vanh-bam-sinh-tam-quan-trong-cua-sieu-am-tim/
http://phauthuattim.org.vn/?cat_id=85&id=85