Bệnh viêm cơ tim( VCT) có thể diễn biến lành tính và tự khỏi, cũng có thể diễn biến nặng và dẫn đến tử vong. VCT là nguyên nhân gặp ở 12% số bệnh nhân trẻ tuổi bị đột tử. VCT cũng là một trong những nguyên nhân chính của bệnh cơ tim giãn và bệnh cơ tim loạn nhịp thất phải. Tuy nhiên, khả năng chẩn đoán VCT thường thấp vì bệnh nhân không nhập viện, một số trường hợp chỉ phát hiện sau khi bệnh nhân tử vong.
Nguyên nhân gây VCT: Nguyên nhân thường gặp nhất của VCT là do virut. Các loại virut thường gặp là Cox-sackievirus B, Adenovirus (virut cúm), Parvovirus B19, Epstein-Barr virus, sởi, HIV…Một số loại vi khuẩn cũng có thể gây VCT như tụ cầu, liên cầu. Một số trường hợp khác, nấm và kí sinh trùng cũng có thể gây VCT. VCT cũng có thể gặp do một số thuốc gây ra, bao gồm các kháng sinh Ngoài ra, các bệnh hệ thống như lupus, viêm hạt cũng có thể gây ra VCT.
Dấu hiệu viêm cơ tim
VCT thể nhẹ có thể tự khỏi, đôi khi bệnh nhân không phát hiện ra mình bị VCT. Tuy nhiên, VCT có thể gặp thể nặng, bệnh nhân có thể có các rối loạn nhịp tim nguy hiểm như rung thất, nhịp nhanh thất, block nhĩ thất hoàn toàn…hoặc có biến chứng suy tim cấp, phù phổi cấp hoặc thậm chí là sốc tim. Những trường hợp VCT nặng tiên lượng bệnh nhân rất nặng nề, thậm chí tử vong.
Dấu hiệu của VCT không đặc hiệu, trước khi có biến chứng rầm rộ thì người bệnh có thể có các biểu hiện chung giống như nhiễm cúm với các triệu chứng mệt mỏi, đau mỏi khớp, đau đầu, đau họng, sốt, tiêu chảy. Giai đoạn sớm này thường không được phát hiện do người bệnh nghĩ mình mắc cúm. Sau đó sẽ xuất hiện các triệu chứng ở tim mạch. Ở người lớn có thể gặp khó thở, đặc biệt là khó thở khi gắng sức, đau ngực, hồi hộp trống ngực, thậm chí là ngất. Ở trẻ em có thể thấy tím môi, thở nhanh, hay mệt thỉu. Do đó, khi có triệu chứng nhiễm virut mà có đau ngực nhiều hay thấy tim đập nhanh, loạn nhịp thì cần phải đi khám sớm.
Viêm cơ tim có thể gây đau ngực, loạn nhịp tim
Chẩn đoán VCT có thể khó khăn do hiện chưa có xét nghiệm đặc hiệu và có thể nhầm lẫn với các bệnh lý khác, đặc biệt nếu gặp ở người trung niên hay cao tuổi. Trong thực hành lâm sàng, việc chẩn đoán VCT dựa vào triệu chứng đau, các bằng chứng viêm, điện tâm đồ có biến đổi đoạn ST-T và có rối loạn vận động ở toàn bộ cơ tim trên siêu âm tim. Hiện nay, chụp cộng hưởng từ tim (MRI) với các dấu hiệu thâm nhiễm viêm và phù tế bào có giá trị rất tốt trong chẩn đoán VCT.
Tiêu chuẩn vàng để chuẩn đoán VCT chủ yếu dựa trên sinh thiết cơ tim. Tuy nhiên, việc sinh thiết tim có nhiều nguy cơ và ít được thực hiện.
Điều trị chủ yếu bằng thuốc
Hiện nay, chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu cho VCT. Các biện pháp điều trị chủ yếu là điều trị hỗ trợ và điều trị triệu chứng. Trường hợp nhẹ, bệnh nhân được theo dõi, làm xét nghiệm men tim và siêu âm đánh giá chức năng tim. Trường hợp nặng, cần được điều trị suy tim với thuốc lợi tiểu, ức chế men chuyển, vận mạch hay thậm chí dùng các thiết bị hỗ trợ tim phổi.
Cùng như chưa có biện pháp dự phòng đặc hiệu cho VCT. Phòng VCT chủ yếu là các biện pháp dự phòng nhiễm virut như tránh nhiễm lạnh, giữ vệ sinh, luyện tập thể dục thể thao…
Tuyết Nhung (Sưu tầm)
Chia sẻ người bệnh: Hạnh phúc giản dị khi có một trái tim khỏe