Bệnh viện Tim mạch Hà Nội là bệnh viện chuyên khoa Tim mạch đầu ngành luôn nhận được sự tin tưởng từ đông đảo người bệnh trên khắp cả nước. Nếu bạn đã lựa chọn nơi đây là địa điểm khám bệnh trong thời gian sắp tới, hãy trang bị cho mình một số thông tin cần thiết để đảm bảo quá trình khám chữa bệnh diễn ra thông suốt và hiệu quả nhất.
Địa chỉ và hướng dẫn cách đến Bệnh viện Tim mạch Hà Nội
Bệnh viện Tim mạch Hà Nội có địa chỉ cơ sở 1 là tại số 92 Trần Hưng Đạo, phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Bệnh viện Tim mạch Hà Nội
Nếu tự di chuyển bằng các phương tiện cá nhân như ô tô, xe máy, bạn có thể gửi xe trước cổng viện hoặc tại Cung văn hóa Hữu Nghị (đối diện bệnh viện). Bạn hãy cân nhắc để lựa chọn tuyến đường thuận tiện để đảm bảo tiết kiệm thời gian di chuyển nhất có thể.
Đối với các bệnh nhân ngoại tỉnh, từ bến xe, ga tàu và sân bay có thể đến Bệnh viện Tim mạch Hà Nội theo hướng dẫn sau:
– Từ bến xe khách: Bạn có thể bắt các tuyến xe 01, 03, 03A, 11, 32, 38, 43, 49, 86 để đi từ các bến xe của Hà Nội như bến xe Giáp Bát, bến xe Mỹ Đình, bến xe Gia Lâm, bến xe Long Biên… đến Bệnh viện Tim Hà Nội.
– Từ ga Hà Nội: tại địa chỉ số 120 Lê Duẩn, quận Đống Đa, Hà Nội; bạn đi bộ thẳng 300m theo hướng đường Trần Hưng Đạo sẽ đến Bệnh viện Tim Hà Nội.
– Từ sân bay Nội Bài: Bạn có thể bắt xe buýt số 86 về ga Hà Nội và đi bộ 300m để đến Bệnh viện Tim Hà Nội.
Bản đồ đến khám bệnh tại Bệnh viện Tim mạch Hà Nội
Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn có thể liên hệ đường dây Hotline của Bệnh viện Tim Hà Nội: 0243 9422430 hoặc 0968.679.292 (6h30 – 17h00 vào thứ 2 – thứ 7) hoặc truy cập tại website http://benhvientimhanoi.vn.
Lịch khám bệnh tại Bệnh viện Tim mạch Hà Nội
Khung giờ khám
Bệnh viện Tim Hà Nội khám bệnh cả vào thứ 7 và chủ nhật, thời gian cụ thể như sau:
– Thứ 2 đến thứ 6: 5h30 đến 16h30.
– Thứ 7: 7h30 đến 14h30.
– Chủ nhật: 7h30 đến 12h.
Ngày khám trong tuần
Hiện tại bệnh viện có 3 khu khám bệnh với khung thời gian làm việc khác nhau. Bạn nên tham khảo trước để sắp xếp thời gian đi khám cho hợp lý.
– Khu Khám bệnh tự nguyện 1: Nhận khám bệnh từ thứ 2 đến thứ 6, nghỉ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ, tết.
– Khu Khám bệnh tự nguyện 2: Nhận khám từ thứ 2 đến thứ 6 và sáng chủ nhật, nghỉ thứ 7 và các ngày lễ, tết.
– Khu Khám bệnh tự nguyện 3: Nhận khám từ thứ 2 đến thứ 7, nghỉ chủ nhật và các ngày lễ, tết.
Lưu ý về thời gian khám
Thời gian khám bệnh cao điểm nhất tại Bệnh viện Tim mạch Hà Nội thường vào khoảng từ 9h – 11h sáng hằng ngày, buổi chiều thường vắng bệnh nhân hơn buổi sáng. Trong năm thì mùa hè là mùa vắng bệnh nhân nhất. Trong tháng thì đặc biệt có ngày mùng 1 (âm lịch) và ngày rằm sẽ có ít bệnh nhân đến khám hơn.
Thời gian khám bệnh mất bao lâu?
Dự kiến bạn có thể phải mất khoảng 1 – 3 giờ cho một buổi khám bệnh. Thời gian có thể thay đổi tùy thuộc vào lượng bệnh nhân đến khám trong ngày, số lượng chỉ định cận lâm sàng cần thực hiện…
Trong trường hợp bác sĩ phát hiện thấy có những vấn đề tim mạch bất thường, bạn sẽ phải mất thêm thời gian để làm các xét nghiệm chuyên sâu khác. Nếu bệnh tình nghiêm trọng, bạn có thể phải làm thủ tục nhập viện ngay trong ngày khám bệnh.
Nếu bạn đến khám quá muộn và kết quả khám cận lâm sàng chưa trả về kịp trong buổi sáng, bác sĩ có thể hẹn bạn đến lấy kết quả vào buổi chiều hoặc sáng hôm sau. Để tránh mất thời gian, đặc biệt là bệnh nhân ngoại tỉnh nên đến khám sớm (khoảng từ 5 giờ sáng) để kịp lấy số khám bệnh trước hoặc đặt lịch khám bệnh.
Đặt lịch hẹn khám như thế nào?
Việc đặt lịch khám bệnh sẽ giúp bạn chủ động về thời gian và được lựa chọn khám với bác sĩ mà mình mong muốn. Bạn cần đặt lịch trước thời điểm dự kiến đến khám ít nhất 24 giờ bằng cách gọi đến tổng đài 0968.679.292 hoặc 0243.942.0046 hoặc điền thông tin vào phiếu “Đăng ký khám bệnh” tại website của bệnh viện.
Bạn cần lưu ý việc đặt lịch khám chỉ có giá trị sau khi được bệnh viện gọi điện để xác nhận cuộc hẹn. Trước giờ hẹn khám, bạn hãy đến sớm ít nhất 15 phút để làm các thủ tục đăng kí và đo huyết áp, mạch trước khi gặp bác sĩ.
Giấy tờ cần chuẩn bị khi đi khám tại Bệnh viện Tim mạch Hà Nội
Dưới đây là một số giấy tờ mà bạn cần mang theo khi đến khám tại bệnh viện:
– Thẻ bảo hiểm y tế (nếu có) hoặc điện thoại đã cài đặt ứng dụng Bảo hiểm xã hội số VSSID.
– Các giấy tờ tùy thân: Chứng minh thư/căn cước công dân/hộ chiếu hoặc thẻ học sinh, giấy khai sinh (với trẻ nhỏ dưới 6 tuổi).
– Giấy hẹn khám lại, giấy chuyển tuyến từ các cơ sở y tế tuyến dưới.
– Đơn thuốc hoặc các thuốc đang dùng (nếu có).
– Các kết quả xét nghiệm, chụp chiếu (trong vòng 6 tháng), nếu có.
Quy trình khám bệnh tại Bệnh viện Tim mạch Hà Nội
Bước 1: Lấy số thứ tự
Để đảm bảo an toàn trong mùa dịch, bạn sẽ phải kiểm tra thân nhiệt và thực hiện khai báo y tế đầy đủ theo quy định. Sau đó mới được vào “khu tiếp đón” để điền thông tin đăng kí khám, nhận số thứ tự và phiếu khám.
Nơi khai báo y tế trước khi vào quầy tiếp đón lấy số thứ tự
Bước 2: Làm thủ tục đăng kí và đóng tiền khám
Theo số thứ tự nhận được, bạn sẽ đến quầy thu ngân để làm thủ tục đăng kí. Trong bước này, bạn cần chuẩn bị sẵn các loại giấy tờ để làm thủ tục khám bệnh theo hướng dẫn của nhân viên y tế và đóng tiền khám bệnh.
Mức đóng tiền khám bệnh sẽ tùy thuộc vào gói khám bệnh tự nguyện mà bạn lựa chọn. Cụ thể như sau:
Khám tự nguyện I | Khám tự nguyện II | Khám tự nguyện III |
Khám với Tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II | Khám với Thạc sĩ, Phó/Trưởng khoa | Khám với Thạc sĩ và Bác sĩ chuyên khoa |
Mức phí 600.000 đồng (chưa bao gồm siêu âm, chụp chiếu, xét nghiệm) bao gồm: + Phí khám: 300,000 đồng + Phí dịch vụ: 300,000 đồng. | Mức phí 500,000 đồng (chưa bao gồm siêu âm, chụp chiếu, xét nghiệm) bao gồm: + Phí khám: 200,000 đồng + Phí dịch vụ: 300,000 đồng. | Mức phí 300,000 đồng (chưa bao gồm siêu âm, chụp chiếu, xét nghiệm) bao gồm + Phí khám: 100,000 đồng + Phí dịch vụ: 200,000 đồng. |
Bảng giá khám bệnh tự nguyện tại Bệnh viện Tim mạch Hà Nội
Bước 3: Đo huyết áp, đo mạch
Trước khi vào gặp bác sĩ, bạn sẽ được nhân viên y tế kiểm tra các chỉ số huyết áp, nhịp tim.
Bước 4: Khám bệnh tại phòng khám theo số thứ tự
Trên phiếu khám bệnh của bạn sẽ có các thông tin về phòng khám, số thứ tự khám. Bạn chỉ cần đến đúng phòng khám và ngồi đợi đến lượt của mình để được vào khám bệnh.
Khu khám bệnh tự nguyện 1 – Bệnh viện Tim mạch Hà Nội
Bước 5: Khám và cho chỉ định
Tại phòng khám, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn cung cấp các thông tin về triệu chứng, tiền sử gia đình, các bệnh và các thuốc đã và đang sử dụng… Đồng thời thực hiện các thăm khám lâm sàng như nghe tim bằng ống nghe, quan sát các biểu hiện bên ngoài…
Ngoài ra, bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện một số xét nghiệm chuyên sâu như điện tâm đồ, X – Quang, siêu âm tim….
Bước 6: Đóng tiền theo chỉ định
Nếu bạn có bảo hiểm y tế và có giấy chuyển viện đúng tuyến đến Bệnh viện Tim mạch Hà Nội sẽ được hưởng bảo hiểm y tế như quy định. Bạn chỉ phải đóng tiền chênh lệch giữa mức hưởng bảo hiểm y tế và chi phí thực tế khi khám bệnh và làm xét nghiệm.
Trong trường hợp khám bệnh ngoại trú vượt tuyến (không có giấy chuyển viện đúng tuyến), bạn sẽ không được BHYT chi trả 60% chi phí điều trị. Bạn có thể thanh toán bằng tiền mặt, thẻ tín dụng (Master card/Visa card), thẻ ATM của các ngân hàng trong nước.
Bạn có thể tham khảo thêm thông tin về chi phí của một số xét nghiệm cận lâm sàng tại Bệnh viện Tim Hà Nội để dự trù số tiền khám bệnh đem theo tại bảng sau:
Tên dịch vụ | Chi phí (VNĐ) |
Điện tâm đồ | 32,800 |
Nghiệm pháp gắng sức điện tâm đồ | 201,000 |
Holter điện tâm đồ | 198,000 |
Chụp Xquang ngực thẳng [số hóa] | 65,400 |
Siêu âm tim gắng sức (thảm chạy, thuốc) | 587,000 |
Siêu âm 3D/4D tim | 800,000 |
Siêu âm tim Doppler tim | 222,000 |
Siêu âm Doppler mạch máu | 222,000 |
Chụp cắt lớp vi tính động mạch vành, tim (từ 64- 128 dãy) | 2,570,000 (Chưa bao gồm tiền thuốc cản quang) |
Chụp cắt lớp vi tính lồng ngực không tiêm thuốc cản quang (từ 64- 128 dãy) | 1,431,000 |
Chụp cắt lớp vi tính lồng ngực có tiêm thuốc cản quang (từ 64- 128 dãy) | 1,781,000 (Chưa bao gồm tiền thuốc cản quang) |
Bảng giá một số dịch vụ khám tại Bệnh viện Tim mạch Hà Nội
Bước 7: Hướng dẫn thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng.
Bác sĩ và nhân viên y tế sẽ giải thích sơ bộ về tình trạng bệnh và hướng dẫn bạn thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng.
Bước 8: Thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng
Theo sơ đồ bệnh viện, bạn cần đến các khu vực chuyên biệt để thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng. Nếu đăng kí khám bệnh tự nguyện bạn sẽ có nhân viên hướng dẫn đến tại các phòng siêu âm, chụp chiếu, xét nghiệm… lấy kết quả và tập hợp kết quả vào phòng khám cho bác sĩ kết luận.
Bước 9: Gặp bác sĩ đọc kết quả và lấy đơn thuốc
Sau khi có kết quả khám cận lâm sàng, bạn cần mang kết quả quay trở lại phòng khám bệnh để được bác sĩ kết luận về tình trạng bệnh và hướng điều trị.
Bước 10: Lĩnh thuốc và mua thuốc
Bước cuối cùng, bạn cần đến nhà thuốc bệnh viện để làm thủ tục lĩnh thuốc theo chế độ của BHYT hoặc mua thuốc theo số thứ tự in trên đơn. Bạn cần lưu ý kiểm tra lại toàn bộ giấy tờ đem theo trước khi ra về.
Hy vọng rằng những kinh nghiệm khi đi khám tại Bệnh viện Tim mạch Hà Nội trên đây sẽ giúp bạn không còn lúng túng khi thực hiện các thủ tục thăm khám và sắp xếp được lịch trình khám bệnh thuận lợi nhất. Sau thăm khám, nếu có bất kì vấn đề gì cần tư vấn thêm, bạn vui lòng liên hệ tổng đài (zalo) 0962.546.541 để được hỗ trợ.
Xem thêm:
Giải pháp thảo dược cho người bệnh tim mạch
Bí quyết trị đau tim, đau thắt ngực hiệu quả chặn đứng nguy cơ nhồi máu cơ tim
Dược sĩ Lê Lương
Nguồn tham khảo:
http://benhvientimhanoi.vn/