Một khi đã xem nước hoa quả là thức uống hàng ngày, bạn cần quan tâm nhiều hơn để biết loại nào nhiều dinh dưỡng, loại nào nên hay hạn chế dùng, dùng khi nào và cân bằng dưỡng chất cho hợp lý.
Nước lựu
Nước lựu ép rất tốt cho tim mạch
Hàm lượng các chất chống oxy hóa trong nước lựu là cao nhất so với các loại nước trái cây khác (kể cả trà xanh, nước nho, cam, việt quất), có tác dụng làm tăng cholesterol HDL tốt, giảm cholesterol xấu, nhờ đó giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.
Trong nước ép của lựu còn chứa polyphenol – chất chống oxy hóa có tác dụng phòng ngừa bệnh về tim mạch, ngăn chặn lão hóa, bệnh Alzheimer và một số bệnh ung thư.
Ngoài ra, nước lựu còn chứa hàm lượng vitamin B2, sinh tố B, niaxin, vitamin C, canxi và photpho, làm giảm quá trình hình thành mảng bám trong các động mạch, ngăn ngừa sự hình thành tế bào ung thư da, có khả năng hạ huyết áp ở những người huyết áp cao.
Đặc biệt, tất cả những gì có trong trái lựu đều là vũ khí chống ung thư vú tuyệt vời (dầu hạt lựu, nước ép, vỏ lựu, nước lựu lên men). Khả năng phòng chống và ngăn chặn bệnh của dầu hạt lựu là lớn nhất (tới 87%), nước ép lên men là 42%.
Nước cam
Đây là loại phổ biến nhất và cũng được nhiều người ưa chuộng nhất. Nước cam giàu vitamin C và P, kali, folacyn, canxi, hóa chất thực vật, limonoid, có tác dụng tăng sức đề kháng, giảm mỏi mệt, tăng cường độ đàn hồi của thành mạch, chống lão hóa, ngăn ngừa ung thư, giải độc, lợi tiểu, có khả năng phát huy tác dụng trong các trường hợp xơ vữa động mạch, tăng huyết áp và phòng ngừa một số bệnh ung thư.
Với trẻ em, nước cam giúp tăng sức đề kháng, thúc đẩy chiều cao, khả năng phát triển đồng đều và ổn định cả về thể chất lẫn trí não.
Nước nho
Trong nho chứa hàm lượng resveratrol – chất có khả năng chọn lọc và tiêu diệt các tế bào ung thư lớn, có khả năng chống lại bệnh tim, Alzheimer và giảm thiểu các tổn thương não liên quan đến đột quỵ.
Nho có tác dụng giúp gan đào thải lượng độc tố có hại trong cơ thể, có lợi cho quá trình tái tạo máu, hàm lượng nước, kali cao, giàu chất xơ – tốt cho hệ tiêu hóa và bài tiết. Nước nho ép còn có tác dụng giảm huyết áp và giảm LDL – cholesterol không có lợi, tăng cường lưu thông máu, giảm nguy cơ nghẽn mạch máu.
Bạn nên chọn nho đỏ hoặc nho tím vì các loại này có hàm lượng dinh dưỡng cao (có hoạt tính chống oxy hóa cao gấp 3 lần so với nước ép bưởi, cam, cà chua và táo). Nước ép nho đỏ có ảnh hưởng trực tiếp lên phản ứng đông máu, vừa làm tăng nồng độ các chất kháng oxy hóa và giảm các gốc tự do trong hệ tim mạch.
Đừng quên những điều này
– Nên tự pha chế nước hoa quả tại nhà, vừa đảm bảo vệ sinh vừa có thể tự cân bằng giữa các loại hoa quả khác nhau.
– Trừ khi vỏ hay hạt hoa quả không sử dụng được, nếu bạn chọn mua được hoa quả sạch, nên xay/ép cả vỏ của trái cây như táo, nho. Với cam thì dùng cả phần cùi. Những trái như nho/lựu thì xay cả hạt vì chứa rất có rất nhiều chất dinh dưỡng và khoáng chất nằm trong vỏ, hạt.
– Nên uống ngay nước hoa quả sau khi chế biến, không để lâu vì lượng đường trong nước sẽ lên men hoặc sản sinh ra một số chất mới, không có lợi cho cơ thể.
– Nếu bạn đang mắc một chứng bệnh nào đó thì nên lưu ý khi uống nước quả. Ví dụ, nếu đang bị các bệnh về tiêu hóa như viêm loét dạ dày, tá tràng hay viêm tuyến tụy thì tuyệt đối không uống các loại nước quả chua như: chanh, cam, táo, nho, dâu đất. Các loại quả này chứa rất nhiều chất hữu cơ làm tăng axit dạ dày, khiến chứng viêm loét nặng thêm.
– Nếu bạn bị tiểu đường thì hạn chế uống nước nho vì loại này chứa nhiều đường glucose và năng lượng.
– Nếu bạn đang bị tiêu chảy thì không nên uống nhiều nước quả cùng lúc mà phải pha loãng và uống từng ít một.
Hoàng Hạ (Sưu tầm)
Chia sẻ người bệnh: Hạnh phúc giản dị khi có một trái tim khỏe